Cổng vào lăng Tám cô. | (24h) - Chúng tôi về thăm "đất lửa" Quảng Bình đúng lúc cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. |
500);} Trên con đường 20 huyền thoại, nơi điểm đầu cả nước vô Nam ấy đã có biết bao con người nằm xuống cho ngày toàn thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Đường 20 vẫn còn nguyên sơ như ngày nào. Xuyên qua những cánh rừng già thâm u, gần cả tuyến đường vẫn chỉ có đất đá lổn nhổn, dốc cao heo hút. Ai đó bảo, chưa đi trên con đường này thì không thể hiểu hết sự vất vả và cả sự vĩ đại của cha ông những ngày khói lửa chiến tranh thật chẳng sai. Rất nhiều bộ đội, TNXP đã ngã xuống trên tuyến đường 20 cho miền Nam ruột thịt, cho ngày đất nước thống nhất. "Nhớ gọi điện về nhà trước khi đi" Khi chúng tôi quyết định chinh phục đường 20, nhiều đồng nghiệp làm báo trên đất Quảng Bình đã tỏ ra ái ngại. Con đường qua câu chuyện của họ thật gian nan vất vả khiến chúng tôi, những người thường xuyên chinh phục núi rừng Tây Bắc cũng sởn da gà. Để có được chuyến đi thành công, chúng tôi được giới thiệu đến gặp ông Phan Hồng Thái, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Phóng viên (lái xe máy) và hành trình trên đường 20 huyền thoại. Với đặc thù công việc của mình, ông Thái được xem là người hiểu và nắm rõ nhất con đường này. Khi chúng tôi bày tỏ nguyện vọng chinh phục đường 20, ông Thái nhìn thăm dò chúng tôi từ đầu đến chân rồi buông một câu ngắn gọn: "Vất vả đấy". Nhìn đồng hồ đã bước sang buổi chiều, chạy ra sân nhìn trời ngó đất xem thời tiết, kiểm tra sơ qua xe cộ, vội vàng chạy vào nhà lấy tấm bản đồ, ông Thái vạch cho chúng tôi từng chi tiết nhỏ nhất trên tuyến đường rồi thúc giục: "Có dặn dò gì người thân nhớ gọi điện về nhà luôn, vào trong đó không có sóng điện thoại đâu, khẩn trương rồi lên đường nếu không muốn ngủ giữa rừng". Bữa cơm vội trước giờ lên đường. Ông Thái cho hay, đường 20 dài chưa đầy 100km nhưng là đường dốc, đất đá lô nhô, vẫn còn "nguyên bản" như thời chiến tranh. Rất nhiều người đi chinh phục con đường này đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Đến xã đầu tiên, xã Tân Trạch chỉ 40km nhưng đi cũng mất 4 - 5 tiếng đồng hồ. Sau khi được ông Thái tỷ mẩn chỉ bảo, chúng tôi vội vàng lên đường. Ông Thái không quên dặn theo: "Nếu xe máy trục trặc, hãy đẩy vào một lùm cây nào đó, đánh dấu rồi quay về thông báo, tôi sẽ cho quân lên khênh về". Một bộ đồ nghề sửa xe, một can xăng mang theo, chúng tôi tự tin lên đường. Mỗi người "gánh" 10 quả bom Đường 20 ra đời năm 1965 và hoạt động trong lúc mưa bom bão đạn ác liệt nhất, tuyến đường này cũng bị đánh phá nhiều nhất. Có ngày Mỹ bắn phá 93 trận. Có đoạn rộng 2km, dài 8km rừng bị đánh cháy trơ trọi. Có trọng điểm đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ nằm xuống. Khi làm con đường này bộ đội đã tính trung bình mỗi người phải gánh chịu 10 quả bom. Hang Tám cô nằm trên đường 20. Ngày 14/11/1972 tại km16,5, tiểu đội gồm 8 người, (4 nam, 4 nữ) đều quê Thanh Hoá khi đang làm đường thì máy bay địch ném bom. Bom thả, cả 8 người đã chạy vào hang đá để ẩn nấp. Ba loạt bom liên tục, ước chừng 180 quả đã làm cả không gian rung chuyển. Một tảng đá lớn bằng hai ngôi nhà ba gian đổ xuống lấp mất cửa hang. Bây giờ ai đi qua đường 20 cũng dừng lại thắp nén nhang tưởng nhớ. Cả 8 người đã hy sinh, mãi đến năm 1996, tỉnh Quảng Bình mới kết hợp với Quân khu 4 tiến hành phá hang. Mìn nổ liên tục nhưng cũng phải mất hơn một tháng tảng đá mới được phá bỏ. Hài cốt 8 người đã được đưa về quê mai táng sau bao nhiêu năm nằm lại trong hang đá lạnh lẽo. Bây giờ ai đi qua đường 20 cũng dừng lại thắp nén nhang tưởng nhớ. Chúng tôi cũng không thể thiếu nghi thức đó... |