Một số thông tin cơ bản về tỉnh An Giang (Nguồn: An Giang triển vọng & cơ hội đầu tư (2003); Niên giám thống kê 2002 – Tổng cục Thống kê; An Giang 25 năm xây dựng và phát triển; An Giang những dự án đầu tư đến năm 2005, website: Angiang.gov.vn, Báo điện tử Cần Thơ).
I. ĐẶC ĐIỂM:
- Về vị trí địa lý: An Giang là một trong các tỉnh lớn nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, phía Bắc giáp Cam-pu-chia, phía Tây giáp Kiên Giang, phía Nam giáp Cần Thơ, phía Đông giáp Đồng Tháp.
- An Giang có diện tích tự nhiên là 3.406 km2; với hệ thống kênh rạch chủ yếu là sông Tiền và sông Hậu.
- Dân số: 2,123 triệu người (2002), trong đó: tỷ lệ dân sống ở khu vực nông thôn là 76,89%. Xét về thành phần dân tộc: người Kinh chiếm 94,24%; Người Khơ-me chiếm 4,23%; Người Chăm chiếm 0.63%; Người Hoa 0.90%.
- Toàn tỉnh có 1.053.641 lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế. Trong đó: Lao động nông, lâm nghiệp chiếm 46,66%; Lao động công nghiệp chiếm 14,07%; Lao động thương mại – dịch vụ và các thành phần khác chiếm 39,27%. (Theo Thống kê Lao động Việc làm 2002- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)
- An Giang Hiện có 11 đơn vị hành chính (gồm: Thành phố Long Xuyên; Thị xã Châu Đốc; các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn) với 142 thị trấn, xã, phường (trong đó: 12 thị trấn, 118 xã và 12 phường).
II. HỆ THỐNG HẠ TẦNG KINH TẾ KỸ THUẬT:
1. Hệ thống đường giao thông:
- Đường bộ: An Giang là tỉnh có hệ thống đường giao thông bộ khá thuận tiện. Quốc lộ 91 dài 91,3Km, nối với quốc lộ 02 của Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan thông qua hai cửa khẩu Tịnh Biên và Vĩnh Xương. Tỉnh lộ có 14 tuyến, dài 404Km được tráng nhựa 100%.
- Đường thủy: Sông Tiền (chảy qua địa phận tỉnh 87Km) và sông Hậu (qua địa phận tỉnh 100Km), là hai con sông quan trọng nối An Giang và ĐBSCL với các nước Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan. Ngoài ra, mạng lưới kênh cấp 2, cấp 3 đảm bảo các phương tiện từ 50-100 tấn lưu thông trong tỉnh.
- Cảng: An Giang có cảng Mỹ Thới có khả năng tiếp nhận hàng hóa trên 0,5 triệu tấn/năm.
2. Hệ thống điện, nước, bưu điện:
- Điện: An Giang đã đầu tư phát triển đưa lưới điện quốc gia đến địa bàn 100% số xã của tỉnh, với tổng chiều dài: 1.200 Km đường dây trung thế, 1.300 Km đường dây hạ thế và 1.410 trạm biến áp các loại tổng dung lượng 96.242 KVA.
- Nước: Công ty Điện nước An Giang đã xây dựng, quản lý 53 hệ thống cung cấp nước sạch ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân dân cư... với tổng công suất 60.000m3/ngày đêm. Công ty cũng đang xây dựng nhà máy nước thành phố Long Xuyên công suất 34.000 m3/ngày, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn quốc gia.
- Bưu điện: Từ năm 1998, ngành bưu chính viễn thông An Giang đã đầu tư khai thác mạng internet toàn cầu, khai thác tổng đài 108 phục vụ các yêu cầu thông tin kinh tế xã hội nhanh chóng. Mạng Vinaphone và mạng MobiFone trong tỉnh cơ bản đã phủ sóng 100 xã phường thị trấn. Ngoài ra, An Giang còn có các dịch vụ của Công ty điện tử viễn thông quân đội, dịch vụ đường dài 178 trong nước và quốc tế.
III. CÁC KHU CÔNG NGHIỆP – CHẾ XUẤT:
- Khu công nghiệp (KCN) Bình Long có tổng diện tích 41,75 ha, nằm cạnh quốc lộ 91 và giáp sông Hậu, cách TP Long Xuyên 30 Km, cách cửa khẩu Tịnh Biên 49Km. KCN Bình Long rất thích hợp cho việc đầu tư chế biến các mặt hàng nông – thủy – súc sản.
- Ngoài ra, An Giang cũng đã qui hoạch chi tiết các KCN khác như: KCN Bình Hòa (Châu Thành) diện tích 146 ha, KCN Vĩnh Mỹ (Châu Đốc) 66,5 ha.
IV. HỆ THỐNG HẠ TẦNG VĂN HÓA – GIÁO DỤC – KHOA HỌC:
Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp: Trường Đại học An Giang, trường Trung học Kinh tế kỹ thuật An Giang, Trường Trung học Nông nghiệp An Giang, trường Trung học Y tế An Giang.
Các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc, bệnh viện Y học dân tộc, Trung tâm Mắt Tai Mũi Họng Răng Hàm Mặt.
V. MỘT SỐ THÀNH TỰU KINH TẾ – XÃ HỘI:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 10,54% (năm 2002); Tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,12% (năm 2002); Tỉ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 80% (năm 2002); Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch 47,7% (năm 2002); Sản lượng lúa 2.086.409 tấn (năm 2001); Sản lượng cây công nghiệp hàng năm 23.575 tấn (năm 2001); Sản lượng khai thác thủy sản 225.656 tấn (năm 2001); Số lượng đàn gia súc 207.745 con (năm 2001); Kim ngạch xuất khẩu 147,332 triệu USD (năm 2002).
VI. CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ:
Danh mục: Dự án chăn nuôi, chế biến thịt lợn và gia cầm; Dự án sản xuất tinh bột gạo bắp; Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến các loại sản phẩm từ bò sữa; Dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò; Dự án nhà trích ly dầu thực vật; Dự án trung tâm thương mại thành phố Long Xuyên; Dự án xây dựng khu đô thị mới ở TP Long Xuyên và thị xã Châu Đốc; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Vàm Cống, Vĩnh Mỹ, Bình Hòa và Bình Long; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương; Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang; Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khu vực Châu Đốc; Dự án đầu tư xây dựng trường đại học An Giang; Dự án mở rộng nâng cấp cảng Mỹ Thới; Dự án khu du lịch sinh thái Núi Cấm...
An Giang có vị trí đầu nguồn sông Cửu Long thuộc địa phận Việt Nam. Phía đông bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, tây bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100 km, nam và tây nam giáp tỉnh Kiên Giang và phía đông giáp Thành phố Cần Thơ. Diện tích: 3.506 km2. Khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa mưa và mùa khô.
An Giang, ngoài đồng bằng do phù sa sông Mê Kông trầm tích tạo nên, còn có vùng đồi núi Tri Tôn - Tịnh Biên. Do đó, địa hình An Giang có 2 dạng chính là đồng bằng và đồi núi. Ngoài các sông lớn, An Giang còn có một hệ thống rạch tự nhiên rải rác khắp địa bàn của tỉnh, với độ dài từ vài km đến 30km, độ rộng từ vài m đến 100m và độ uốn khúc quanh co khá lớn. Các rạch trong khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu thường lấy nước từ sông Tiền chuyển sang sông Hậu. Các rạch nằm trong hữu ngạn sông Hậu thì lấy nước từ sông Hậu chuyển sâu vào nội đồng vùng trũng Tứ giác Long Xuyên. Điều kiện tự nhiên thuận lợi là một yếu tố quan trọng giúp An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với sản lượng lúa và thủy sản nước ngọt cao nhất nước.
Ngoài nông nghiệp và thủy sản, những lợi thế này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào các lĩnh vực khác như công nghiệp nhẹ, chế biến, sản xuất công nghiệp nặng, thương mại, du lịch, dịch vụ và các ngành có trị giá gia tăng cao. Điều kiện tự nhiên và con người tại An Giang phù hợp với cả các dự án đầu tư đòi hỏi sử dụng nhiều lao động và các ngành có giá trị gia tăng cao, hàm lượng vốn và chất xám cao như nghiên cứu và phát triển, tài chính, ngân hàng, công nghệ sinh học, dược phẩm…
Cùng với sự lớn mạnh của đất nước, nền kinh tế An Giang luôn đạt tốc độ phát triển cao và bền vững trong suốt hai thập niên vừa qua. Tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức hai con số, đạt mức 13,36% vào năm 2007. An Giang là một nền kinh tế có trình độ ngoại thương tương đối cao, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt khoảng 540 triệu USD, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 22%/ năm, đạt ngang múc trung bình của cả nước và cao hơn rất nhiều mức trung bình của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long là 13%. Hàng hóa xuất khẩu của An Giang đã có mặt tại nhiều nước tại cả 5 châu.
Không chỉ dựa vào xuất khẩu, nền kinh tế của An Giang được phát triển trên diện rộng với sự phát triển của nhiều ngành như thương mại, du lịch, chế biến. Nền kinh tế của An Giang đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh nội lực của tỉnh và vào sự liên kết kinh tế với toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và với TP. Hồ Chí Minh. An Giang có một thị trường tiêu dùng lớn với hơn 2,2 triệu dân và 3,9 triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Hàng năm, tổng mức bán lẻ dịch vụ đạt con số 22 ngàn tỷ đồng. Đây hẳn là một thị trường không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn.
An Giang ngày một chú trọng hơn về chất lượng phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm tới các yếu tố về phát triển con người, bảo vệ tài nguyên môi trường và hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Nền kinh tế vững chắc, phát triển nhanh và ổn định của An Giang sẽ là tiền đề quan trọng, đảm bảo sự thành công của các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.