Khi tôi thức dậy, đã thấy ông già người Dao tên Lử đến đây từ bao giờ. Ông ta đang cùng Khưa, Sên ngó nghiêng mấy cái hang hiện ra rõ mồn một giữa đám than tro và những vạt cỏ gianh ẩm ướt bị dẫm đạp.
Ông già người Dao gầy còm, nhỏ thó, đen trũi, cầm chiếc que dài độ hơn mét rồi chui tọt xuống hang. Khưa bảo ông ta chỉ cần chọc vào các cửa hang là biết hang nào trăn đang ở. Kinh nghiệm săn trăn là bí truyền của những người già trong bộ tộc Dao đỏ vùng Hoàng Su Phì. Chui vào hang độ 3 phút, lão Lử báo hiệu mọi người kéo ra. Họ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ dân tộc, tôi chẳng hiểu gì, nhưng thấy ai cũng có vẻ hài lòng.
Sên giải thích rằng, lão Lử và Khưa vừa tính cách chia chác khi bắt được con trăn này. Lão Lử bảo con trăn to lắm, lại hung dữ, rất hiếm gặp. Khi bắt được con trăn lão sẽ lấy thịt về tế Thần Rừng và chia cho dân bản. Phần của mọi người là tấm da trăn quý giá. Mỡ trăn ai lấy bao nhiêu thì tùy thích.
Xưa kia, tộc người Dao nơi đây có tập tục bắt trăn trong ngày hội rồi dâng trăn cho thần linh. Chỉ cần phát hiện ra vết trăn, đến ngày hội, con trăn đó sẽ bị bắt rồi già bản cắt tiết tế thần. Hiện nay, tập tục kỳ lạ này không còn nữa, nhưng kỹ thuật bắt trăn vẫn được truyền lại cho một người quan trọng trong tộc và họ coi đó là bí truyền.
Lão Lử dò la các cửa hang đã bị bít lại, ngó nghiêng, chọc gậy vào hang thăm dò. Sau khi đã thăm dò một lượt, lão cầm chiếc dùi sắt cực sắc cắm trước một cửa hang lớn, cách hang chính đến 20m. Lão Lử quỳ xuống khấn vái lầm rầm trước cửa hang. Khưa bảo lão đang đọc thần chú tế Thần Rừng phù hộ để bắt con trăn.
Lấy cửa hang làm trung tâm, lão Lử bước 5 bước rồi bảo mọi người đào chỗ đó, sẽ tóm chặn đầu nó. Sên cởi phăng chiếc áo, vác thuổng đào hùng hục, bới tung cát sỏi. Sau vài chục phút đào và xúc không nghỉ, đến độ sâu hơn mét thì gặp một lỗ hổng. Lão Lử bảo mọi người dừng đào.
Lão chúi đầu xuống móc bới một lát thì tấm da mốc xì, vàng đen vằn vện hiện ra, một con trăn khổng lồ, loài mà người dân nơi đây gọi là con tua tảng. Người Kinh gọi nó là trăn gấm hoặc trăn mắc võng. Để bắt được trăn, thợ bắt trăn thường chọc thủng đầu nó. Lão Lử thận trọng kéo thật nhẹ nhàng để lần tìm đầu con trăn. Khi đầu con trăn chớm lộ ra, lão cầm chiếc dùi sắt cực sắc, dùng hết sức bình sinh đâm xuyên qua đầu nó. Con trăn quằn quại, lồng lộn trong hang, phát ra những tiếng uỵch uỵch trong lòng đất. Khưa ném sợi thừng xuống hang, lão Lử ròng sợi dây qua cổ con trăn rồi thít thật chặt. Khưa và Sên cùng ráng sức kéo sợi dây, con trăn bị lôi ra khỏi lòng đất.
Nó uốn mình lồng lộn nhưng không quấn được vào ai vì một phần cơ thể của nó vẫn còn ở trong hang. Khi phần đuôi vừa lộ ra ngoài thì Mìn lao vào đè chặt. Con trăn hất mạnh đuôi khiến Mìn ngã lăn ra đất. Lúc này Cheng đang ngồi trên lưng cũng bị nó hất văng ra. Lão Lử ráng sức bình sinh xoáy tròn chiếc dùi sắt. Con trăn uốn thân răng rắc rồi nằm bất động. Mọi người nhìn Cheng cười nắc nẻ. Trên trán của gã lấm tấm mồ hôi, ánh mắt vẫn chưa hết hoảng hốt.
Con trăn này ước chừng nặng 70kg, dài hơn 6m. Loài trăn này rất khỏe, sống dai, nhưng vì bị dùi sắt chọc xuyên óc, nên chỉ giãy giụa một lát là chết thẳng cẳng. Lão Lử dùng dao trích vào cổ nó rồi lấy bát rượu ngô hứng một ít huyết tương. Lão uống một ngụm rồi chuyền tay mọi người. Lão bảo uống để gặp may. Tôi cũng nhắm mắt, nhắm mũi làm một ngụm rượu tanh nồng đó.
Lão Lử dùng chiếc dao nhỏ mà sắc bén rạch miếng da ở đầu. Thật dễ dàng, bộ da con trăn được kéo tuột ra khỏi lớp thịt trắng. Lão Lử thuần thục lách dao tách thịt và xương con trăn để xếp vào chiếc gùi cho gọn. Trước khi chia tay, lão còn ném lại cho chúng tôi một khúc. Sên vác súng đi dọc bờ suối kiếm con gì đó để tăng thêm khẩu phần. Cheng đào măng rừng đem luộc. Mìn tẩm ướp miếng thịt trăn đem nướng trên khói. Khưa xát muối vào mặt trong của tấm da trăn rồi phơi tấm da dưới nắng.
Muối và ánh nắng sẽ đốt cháy hết thịt và mỡ còn dính, da sẽ co lại và trở nên săn chắc. Tấm da trăn vừa gọn lại có giá, bán cho dân buôn cũng được vài triệu. Trên con đường trở về từ cánh rừng Túng Quá Lìn dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, tôi đi qua rất nhiều núi, nhiều đồi, nhưng chỉ toàn thấy nương rẫy và đồi núi trọc. Ra khỏi rừng mới thấy rừng còn ít quá. Những con thú cuối cùng đang bị dồn lại để đám thợ săn có điều kiện tiêu diệt nhanh gọn.
Cuốc sống của những con thú còn lại trong rừng trước họng súng thật mong manh!
Theo VTC