Thật thú vị khi chứng kiến các chuyên gia sút phạt như David Beckham, Roberto Carlos, Juninho Pernambucano… đứng trước bóng, suy nghĩ, chạy đà và tung ra một cú sút. So với những đàn anh này, hiệu suất sút phạt của Cristiano Ronaldo tất nhiên là không thể sánh bằng. Thế nhưng, Ronaldo đặc biệt ở chỗ cú sút của anh đã làm hỏng các quy tắc thông thường của vật lý.
3 cách sút phạt thông thường
Tạm chia sút phạt ra làm 3 cách. Cách thứ nhất, lấy hết lực chân mà… nện vào quả bóng. Đấy là cách mà Ronald Koeman đã dùng để nã vào khung thành Sampdoria trận chung kết Cup C1 năm 1992, là cách mà những cầu thủ có lực chân mạnh như Jonh Arne, Dietmar Hamann, Adriano, hay Zlatan Ibrahimovic lựa chọn. Cách sút vào tâm bóng, hướng về phía khung thành và hy vọng phản xạ của thủ môn đối phương chậm hơn tốc độ bay của bóng.
Cách thứ 2 là đánh lừa hàng phòng ngự và thủ môn đối phương. Cầu thủ sút phạt vờ như sẽ sút vồng qua hàng rào, nhưng lại ghim một cú sút sệt. Trận chung kết Cup UEFA năm 2001, Javi Moreno của Alaves sút vào đúng vị trí mà Emile Heskey của Liverpool nhảy lên và hạ thủ thành Sander Westerveld. Ronaldinho và Rivaldo cũng từng ghi bàn với kiểu sút này.
Kiểu sút thứ 3 là phổ thông nhất: Cầu thủ sút phạt uốn quả bóng theo một quỹ đạo xoáy. Đó là kiểu Beckham. Quỹ đạo xoáy của quả bóng chính xác hay không phụ thuộc vào vị trí tiếp xúc giữa chân và bóng cũng như cách ra lực chân. Nói một cách… toán học, cầu thủ sẽ làm nhiệm vụ “giải phương trình”. Họ sẽ phải ước chừng cự ly, quan sát hàng rào, canh góc rồi mới lựa chọn cách sút bóng để đạt hiệu quả ưng ý nhất.
Ronaldo – mở lối tiên phong
Các sút của Ronaldo không thuộc bất cứ diện nào vừa nêu. Lực chân của Ronaldo tất nhiên không mạnh, quả bóng từ chân Ronaldo cũng không xoáy. Vậy mà anh vẫn khiến biết bao thủ môn khốn khổ vì cách sút bóng kỳ lạ của mình. Giới khoa học vào cuộc, và kết luận: vật lý bó tay.
Ai cũng thấy Ronaldo có một cách sút phạt rất kỳ lạ. Vì để đạt hiệu quả cao và để… điệu đà thêm một chút, Ronaldo không chạy xéo, chân trụ cũng chẳng nghiêng. Anh chạy thẳng, sút thẳng và chân trụ cũng thẳng. Điểm tiếp xúc là ngay chính giữa quả bóng. Bóng bay theo một quỹ đạo rất kỳ lạ làm thủ môn bất lực.
Giới khoa học có nghiên cứu và kết luận quỹ đạo bay của quả bóng trong các môn thể thao theo công thức hẳn hoi (tham khảo trang web http://www.sep.org.uk/samples/physicsspin/run.swf). Vậy nhưng khi mang những yếu tố như vị trí đặt bóng, góc sút, tốc độ bay của bóng, góc xoáy thì công thức này sai bét!
Thật vậy, giáo sư vật lý Ken Bray của trường Đại học Bath trong công trình nghiên cứu về vật lý và bóng đá mang tên "How to Score: Science and the Beautiful Game" đã chỉ ra: “Ronaldo đá phạt theo một cách rất đặc biệt, quả bóng gần như không xoay khi rời chân anh ấy. Khi Ronaldo sút, quỹ đạo bay của bóng giống một quả bóng chày hơn và vì thế quỹ đạo của nó rất khó xác định. Theo quan sát của chúng ta, các thủ môn đối phương dường như có lỗi, nhưng sự thật không phải vậy. Nếu Ronaldo đưa quả bóng vượt qua hàng rào và đúng hướng khung thành, thủ môn gần như không còn cơ hội”.
... nhưng giờ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết
Những phân tích vật lý
Để thêm phần lý thú, 2 nhà cơ sinh học thể thao Xavier Aguadp Jadar và Jose Luis Lopez Elvira của trường Đại học Castilla-La Mancha và Tiến sĩ Miguel Hernandez của trường Elche cũng công bố nghiên cứu về Ronaldo. Họ lấy cũ sút của anh trận gặp Marseille làm ví dụ. Bóng cách khung thành 35 mét, Ronaldo sút bóng bằng chân phải quen thuộc, tốc độ trung bình 87 dặm/giờ, vận tốc tối đa 100 dặm/giờ, góc xoáy của quả bóng khi đang bay là 25 độ, từ lúc rời chân đến khi vào lưới là 1,44 giây, bóng cách mặt đất 1,88 mét khi tung lưới.
Kết luận của họ cũng… y chang như Giáo sư Bray. Khác một chút, họ nói quả bóng ấy không giống bóng chày, mà giống… quả banh nỉ của một cú vụt thuận tay của Rafael Nadal. Bray còn khiến các thủ môn lo lắng hơn khi khẳng định Ronaldo sẽ ngày càng khỏe hơn và hoàn thiện hơn về kỹ thuật. Nghĩa là họ sẽ tiếp tục bó tay khi đối diện với những quả sút phạt của Ronaldo. Vật lý mà còn bó tay, nói gì thủ môn bình thường.
24h